Có nhiều ý kiến về các phương pháp định giá đất hiện hành mà cơ quan dự thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề xuất sửa đổi, đặc biệt việc loại bỏ phương pháp thặng dư.
Nút thắt định giá đất
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất là chủ đề được dư luận quan tâm thời gian qua.
So với quy định hiện hành, các dự thảo trên đã loại bỏ phương pháp thặng dư và phương pháp chiết trừ, chỉ giữ lại 3 phương pháp, gồm: so sánh, thu nhập và hệ số điều chỉnh giá đất khi thực hiện định giá đất.
Trao đổi tại hội thảo “Định giá đất phù hợp để khai thông dự án” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 27/7, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ TN-MT, Tổ trưởng Tổ biên tập, Luật Đất đai sửa đổi cho biết, phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp khoa học được sử dụng trên thế giới.
Nhưng trong điều kiện Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất, bất động sản; cơ quan có thẩm quyền chưa theo dõi được thông tin… nên Bộ TN-MT đề nghị chưa áp dụng phương pháp thặng dư, chứ không có nghĩa “không dùng”.
Theo ông Chính, tính theo phương pháp thặng dư “rất lỏng”. Bởi, nếu chọn 1 dự án vào định giá, xây dựng 3 năm đã khác với xây dựng 4 năm về chi phí; chọn bán hàng 5 năm hay chọn bán hàng 3 năm, doanh thu khác rất lớn…
“Nếu chúng ta không chặt chẽ, thì ý chí chủ quan của người định giá, của lãnh đạo địa phương, của người thẩm định giá ảnh hướng rất lớn vào kết quả định giá đất”, ông Chính nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại khi bỏ phương pháp thặng dư sẽ gây khó khăn về định giá đất, dẫn đến chậm triển khai dự án, trong đó có dự án bất động sản.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đánh giá, những năm gần đây, rất nhiều dự án đầu tư không phê duyệt được. Trong đó, có vướng một số vấn đề, nhất là giá đất không xác định được là bao nhiêu, để cơ quan chính quyền địa phương ra quyết định thu tiền và nhà đầu tư nộp tiền. Phải có giá đất mới ra được quyết định giao đất.
Theo ông Cường, phương pháp thặng dư cũng có hạn chế là nếu như đưa yếu tố tính toán của khu vực không chuẩn (đầu vào không chuẩn) sẽ dẫn đến kết quả đầu ra không chính xác.
Tuy nhiên, về kinh nghiệm quốc tế, các nước phổ biến dùng phương pháp thặng dư và không bị thất thoát vì không có chuyện bán chênh và trốn thuế, môi trường kinh doanh, pháp lý minh bạch, kỷ luật.
Cũng theo ông Cường, định giá là tìm giá trị chứ không phải là giá cả. Nếu bỏ phương pháp thặng dư sẽ không có cơ sở định giá những khu vực đất được gọi là đất chưa phát triển.
Bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc dịch vụ tư vấn, Savills TP.HCM nhìn nhận, phương pháp thặng dư có những ưu điểm nổi bật so với các phương pháp khác.
Với phương pháp thặng dư, giá đất được tính bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển giả định của bất động sản trừ đi tổng chi phí phát triển giả định. Đại diện Savills nhấn mạnh, phương pháp này phù hợp khi định giá những khu đất chưa phát triển và giàu tiềm năng, đảm bảo nguyên tắc định giá cao nhất, tốt nhất cho tài sản.
Bổ sung dữ liệu đầu vào, khơi thông dự án
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội khẳng định, phương pháp thặng dư phản ánh rất rõ nét bản chất tài chính của dự án bất động sản: đâu là chi phí, đâu là doanh thu, đâu là lợi nhuận, rất khoa học và khách quan.
“Cơ quan soạn thảo cho rằng, do thiếu cơ sở dữ liệu để định giá, phải định giá theo các yếu tố giả định, thiếu chính xác nên bỏ phương pháp này, theo tôi là chưa thuyết phục. Nếu vấn đề là thiếu cơ sở dữ liệu thì giải pháp phải là tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu chất lượng, tin cậy, thay vì bỏ phương pháp thặng dư (đập bỏ cỗ máy sản xuất). Vì vậy, nếu việc bỏ phương pháp thặng dư trở thành hiện thực thì đó sẽ là một bước lùi trong công tác định giá đất”, luật sư Chung bày tỏ.
TS. Trần Xuân Lượng (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm, không phải phương pháp định giá mà chính các thông tin dữ liệu đầu vào mới quyết định việc xác định giá đất có sát với thị trường hay không.
Bàn về giải pháp thực hiện, TS. Trần Xuân Lượng cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng một trung tâm đăng ký và quản lý các giao dịch đất đai, đảm bảo từ chủ đầu tư, người dân cho đến cơ quan quản lý đều phải đăng ký để khai báo cho đầy đủ và chính xác.
“Quan điểm của tôi cho rằng từ việc có dữ liệu sạch, chúng ta sẽ đề ra những quyết sách, chính sách đúng và trúng. Từ dữ liệu sạch mới có được quy hoạch sạch, có được giá đất tiệm cận thị trường, bồi thường thỏa đáng… Ngoài ra, từ giá đất chuẩn sẽ đánh thuế chuẩn, thu được tiền sử dụng đất chuẩn, tiền cho thuê đất chuẩn và thu ngân sách tối đa. Từ đó sẽ tái đầu tư cho lợi ích của cộng đồng”, ông Lượng cho biết.